7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
(253) 475-6335

PHỤ TRƯƠNG CN 29-12-2013

BÒ VÀ LỪA TRONG CẢNH HANG ĐÁ GIÁNG SINH

Ý tưởng về cảnh hang đá máng cỏ xuất phát từ Tin Mừng Thánh Matthêô, thuật lại chuyện Chúa Giêsu được sinh ra trong nơi người ta nhốt súc vật. Đặc biệt câu chuyện kể rằng Chúa Giêsu được đặt vào chiếc máng làm nơi cho súc vật ăn. Lịch sử giải thích trình thuật đã cho thấy trí tưởng tượng phong phú của các độc giả. Họ nhìn thấy ở đấy có cả bò, lừa, chiên, ngay cả lạc đà và hươu cao cổ. Những con vật này không ở đấy cho có chuyện. Truyền thống dân gian đã đưa chúng vào cảnh hang đá máng cỏ vì nhiều lý do.

Bằng chứng đầu tiên về sự hiện diện của bò và lừa trong hang đá là một tranh khắc nổi có từ thế kỷ IV. Trên quan tài bằng đá của Stilicon ở Milan, người ta thấy khắc hình Chúa Giêsu nằm giữa hai con vật được cho là bò và lừa. Vài thế kỷ sau, một bản văn gọi là Ngụy Tin Mừng Thánh Matthêô, chương 14, kể lại câu chuyện hạ sinh của Chúa Giêsu và giải thích sự hiện diện của hai con vật này:

Khi ấy, hai ngày sau khi sinh, Đức Maria rời khỏi hang đá, đến một chuồng thú vật và đặt con trẻ vào chiếc máng ăn, có bò và lừa quỳ gối thờ lạy. Như thế là hoàn tất lời ngôn sứ Isaia : “Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó “, và những con vật này vây quanh con trẻ và thờ lạy không ngớt. Như vậy, cũng hoàn tất lời ngôn sứ Khabacúc : “Ngài tỏ mình giữa hai con vật.” Đó là lý do tại sao chúng thấy có bò và lừa ở cảnh hang đá. Các Kitô hữu đã đọc và giải thích đoạn văn Isaia 1,3 “Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó. Nhưng Ít-ra-en thì không biết, dân Ta chẳng hiểu gì.”mà nguyên thủy được dùng để than thở rằng người dân không hiểu biết Thiên Chúa mình trong khi bò và lừa còn nhận ra chủ mình và chiếc máng ăn của nó. Trích đoạn ngôn sứ Khabacúc 3,2 theo bản văn Hy Lạp nói về sự tỏ mình của Thiên Chúa giữ hai con vật mà ngôn sứ đã nói trước kia. Hai bản văn này được dùng để nói về sự hạ sinh của Chúa Giêsu. Trong Ngụy Tin Mừng Thánh Matthêô những con vật làm nổi bật thiên tính của Chúa Giêsu.

Những con vật vắng mặt trong trình thuật Tin Mừng về ngày giáng sinh

Bò là con vật kéo cày, hình ảnh chỉ sự thẳng thắng và lao động. Thế nhưng, bò cũng là biểu tượng cho việc thờ cúng ngẫu tượng trong trình thuật con bò vàng. Thực tế, con bò thường đồng hành và là biểu tượng cho một vài vị thần ở Cận Đông thời xưa.

Con lừa cũng được tìm thấy trong các trình thuật Kinh Thánh. Ngày nay, con lừa không còn mang ý nghĩa tượng trưng tiêu cực. Trái lại, lừa là vật lao động và nhất là bạn đồng hành tốt nhất cho những chuyến đi. Trong trình thuật con lừa cái của ông Balaam (Sách Dân Số, chương 22-24), con lừa đã nhìn thấy Thiên Chúa còn vị tư tế thì không. Trong trình thuật này, dường như con lừa có khả năng nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa rõ hơn con người. Điều này gợi cho chúng ta suy nghĩ rằng con lừa trong máng cỏ nhìn thấy căn tính thâm sâu của Chúa Giêsu hơn con người. Đồng thời, theo truyền thống, những con vật hiện diện trong cảnh hang đá nói lên nhân tính của Chúa Giêsu khi phà hơi để sưởi ấm Ngài.

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ www.gpquinhon.net




Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Giáng Sinh 2013:
Đừng sợ! Thiên Chúa là Ánh Sáng và Bình An của chúng ta

Anh chị em thân mến,

1. "Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng" (Is 9,1) Lời của tiên tri Isaia không bao giờ làm cho chúng ta hết xúc động, đặt biệt khi chúng ta nghe lại những lời đó trong Phụng vụ Đêm Giáng Sinh. Và không chỉ là một sự kiện thuộc xúc cảm, tình cảm; lời đó làm chúng ta xúc động bởi vì nó nói về thực tại sâu xa của điều chúng ta đang là : Chúng ta là một dân tộc đang bước đi, và ở xung quanh chúng ta - thậm chí bên trong chúng ta - có cả bóng đêm và ánh sáng. Và trong đêm nay, trong khi thần khí tối tăm bao lấy thế giới, thì một sự kiện làm thay đổi thế giới, luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên và làm cho chúng ta bất ngờ : đó là dân tộc đang lần bước sẽ nhìn thấy ánh sáng huy hoàng. Một thứ ánh sáng làm cho chúng ta phải suy nghĩ về mầu nhiệm này : mầu nhiệm của việc bước đi và nhìn thấy.

Bước đi. Đây là một động từ khiến chúng ta nghĩ đến dòng lịch sử, nghĩ đến một hành trình dài là lịch sử cứu độ, nghĩ đến việc ra đi của Abraham, tổ phụ của chúng ta trong đức tin, người mà Thiên Chúa đã kêu gọi vào một ngày để khởi hành, ra khỏi quê hương ông để đến một vùng đất mà Thiên Chúa đã chỉ cho ông. Vì thế, căn tính của người tín hữu là căn tính của dân tộc lữ hành hướng đến miền đất hứa. Lịch sử này luôn được Thiên Chúa đồng hành! Vì Người luôn trung tín với giao ước và lời hứa của mình. "Thiên Chúa là ánh sáng, và nơi Người không có chút bóng tối nào" (1 Gv 1,5). Trái lại, về phía dân, được xen kẽ lẫn nhau lúc ánh sáng và khi bóng tối, trung tín và bất trung, vâng phục và nổi loạn; có lúc là một dân tộc lữ hành và có khi là dân tộc sai lầm.

Trong lịch sử cá nhân của chúng ta cũng được xen lẫn những lúc rạng ngời và khi mờ nhạt, rực rỡ và đêm đen. Nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa và yêu mến anh em, chúng ta bước đi trong ánh sáng, nhưng nếu tâm hồn chúng ta khép kín, nếu để cho tính kiêu căng, dối trá, tìm kiếm tư lợi chiếm lĩnh thì lúc đó bóng đêm sẽ xâm nhập vào bên trong và xung quanh chúng ta. Thánh Gioan tông đồ đã viết : "ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu,vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng. (1 Ga 2,11).

2. Trong đêm nay, như một chùm ánh sáng rực rỡ, làm vang lại lời rao giảng của vị Tông đồ : "Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người" (Tt 2,11). Ân sủng đã xuất hiện cho thế gian là Chúa Giêsu, được sinh ra bởi Đức Nữ Trinh Maria, là người thật và là Thiên Chúa thật. Người đã đi vào lịch sử của chúng ta, đã chia sẻ bước đường của chúng ta. Người đến để giải phóng chúng ta khỏi bóng đêm và ban cho chúng ta ánh sáng. Nơi Người đã xuất hiện ân sủng, lòng thương xót, sự dịu dàng của Chúa Cha : Chúa Giêsu là tình yêu trở thành xác phàm. Người không chỉ là thầy khôn ngoan, không chỉ là lý tưởng để qua đó chúng ta hướng về trong khi chúng ta nhận biết rằng chúng ta đang cách xa Người cách vô vọng. Người là ý nghĩa của cuộc đời và của lịch sử. Người đã cắm lều giữa chúng ta.

3. Các mục đồng là những người đầu tiên được nhìn thấy "căn lều" này, khi đón nhận lời loan báo việc sinh hạ của Chúa Giêsu. Họ là những người đầu tiên vì họ là những người chót cùng, những người bên lề xã hội. Họ là những người đầu tiên vì họ đã tỉnh thức trong đêm, để canh chừng đàn chiên của họ. Cùng với họ chúng ta dừng lại trước Hài nhi, chúng ta dừng lại trong thinh lặng. Cùng với họ chúng ta cám đội ơn Thiên Chúa đã ban Chúa Giêsu cho chúng ta, và cùng với họ chúng ta hãy để từ tận đáy lòng mình dâng lên lời ngợi ca lòng trung thành của Thiên Chúa : Chúng con chúng tụng Chúa, Lạy Chúa là Thiên Chúa tối cao, Đấng đã hạ xuống vì chúng con. Chúa là Đấng vô biên, đã trở nên nhỏ bé; Chúa là Đấng giàu sang, đã trở nên nghèo khó; Chúa là Đấng quyền năng, đã trở nên thấp hèn.

Trong đêm nay chúng ta cùng chia sẻ niềm vui của Tin mừng : Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Người yêu chúng ta rất nhiều và đã ban cho chúng ta Con của Người như là bạn hữu chúng ta, như là ánh sáng trong đêm tối của chúng ta. Thiên Chúa nhắc chúng ta : "đừng sợ" (Lc 2,10). Và tôi cũng nhắc lại cho anh chị em : Đừng sợ! Thiên Chúa Cha của chúng ta thật nhẫn nại, yêu thương chúng ta và ban cho chúng ta Chúa Giêsu để hướng dẫn chúng ta trong hành trình tiến về miền đất hứa. Người là ánh sáng chiếu soi cho đêm tối. Người là bình an của chúng ta. Amen.

Lm. Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ www.gpquinhon.net

Suy Niệm Lễ Thánh Gia Thất

Lễ Thánh Gia Thất là dịp mọi nhà nhìn lại gia đình mình, rồi chỉnh sửa những gì sai sót đồng thời nhìn lên Thánh Gia để noi gương, tùy vai trò của mình trong gia đình là vợ chồng, cha mẹ hoặc con cái.

Trước hết dựa theo phần phụng vụ lời Chúa thì bài đọc 1 theo sách Huấn ca, đặt biệt dạy con cái phải hiếu thảo, tôn kính, và quan tâm chăm sóc cha mẹ già. Bài đọc 2 của Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côlôxê thì chỉ ra những đức tính cần có trong gia đình, những đức tính này có được là dựa trên lý do vì Chúa yêu thương chúng ta nên mọi thành viên trong gia đình phải yêu thương, chịu đựng, quan tâm và tha thứ cho nhau. Đến bài phúc âm cho chúng ta thấy cảnh Thánh Gia tuy nghèo và gặp hoạn nạn nhưng vẫn bình an hạnh phúc vì cả nhà biết sống theo ý Chúa qua gia trưởng là Thánh cả Giuse. Lời Chúa dạy về đời sống gia đình và mẫu gương Thánh gia là như thế, nhưng đa phần gia đình chúng ta không vâng theo, cộng thêm là những yếu tố khách quan ngoài xã hội tác động vào, khiến cho việc giáo dục con cái và duy trì hạnh phúc gia đình vốn đã khó lại càng khó hơn. Những yếu tố đó là hiện tượng:

-Con cái phải rời cha mẹ sớm để đi học ,đi nhà trẻ ,vì cha mẹ đều phải đi làm.
-Công nghệ thông tin phát triển dẫn đến tình trạng con cái tiếp nhận những luồng tư tưởng, thông tin, hình ảnh,ngoài sự hướng dẫn của cha mẹ
-Làm việc theo ca của cha mẹ và việc học thêm của con cái khiến cho gia đình không còn bữa cơm chung với nhau
-Kinh tối gia đình hầu như mất hẳn.

Nhân Lễ Thánh Gia Thất hôm nay, gia đình chúng ta muốn được sống trong ơn nghĩa Chúa, được hạnh phúc thì trước tiên nên cầu nguyện, xin Chúa cho mọi thành phần trong gia đình biết hết lòng yêu mến Chúa,cùng thờ phượng Chúa như Thánh gia thất,và nhờ ơn Chúa gia đình cùng cố gắng sửa đổi những gì có thể được, chẳng hạn như bữa cơm chung và kinh tối gia đình. Có như vậy chắc chắn gia đình sẽ hạnh phúc hơn vì ơn Chúa luôn ở bên cạnh và đủ cho gia đình chúng ta cậy nhờ.

Lm. Phêrô Nguyễn Cấp www.gpquinhon.net